Chào các bạn, nếu các bạn đã tìm hiểu về nhà thông minh ở mức độ cơ bản, thì cách vận hành của ngôi nhà chủ yếu dựa trên các ứng dụng nhà cung cấp thiết bị đưa ra, tuỳ theo mục đích và nhu cầu mà mình trang bị thiết bị thông minh tương ứng
Thông dụng nhất có Xiaomi thì có MiHome, kết nối hàng trăm thiết bị Xiaomi cung cấp để điều khiển nhà kèm theo rất nhiều cảm biến giúp cho ngôi nhà hoạt động gần như hoàn hảo. Hay bên cạnh đó còn có Broadlink nổi trội với các thiết bị điều khiển hồng ngoại, thay thế được tất cả remote cơ bản trong nhà. Hoặc còn có Tuya, Sonoff với hàng loạt công tắc thông minh giá rẻ, phù hợp thị hiếu người Việt Nam.
Nhưng vấn đề đầu tiên mình nhận thấy, đó là trong một ngôi nhà thông minh hoàn thiện, bạn phải kết hợp thiết bị của rất nhiều hãng, mục đích là để linh động chi phí, hoặc thiết bị đó phù hợp với mục đích của bạn, dẫn đến tình trạng phải cài đặt hàng đống ứng dụng trên điện thoại, khi cần sử dụng thì rất mất thời gian, hoặc dở hơn nữa là người thân trong nhà sẽ rất khó biết cách sử dụng đặc biệt là người lớn tuổi
Đó là lý do mà Home Assistant hay OpenHAB ra đời, đây là những hệ thống mã nguồn mở giúp kết nối tất cả các thiết bị, của nhiều hãng vào trong một nơi, một hệ thống duy nhất, đồng thời cho phép thiết bị của nhiều hãng khác nhau có khả năng tương tác qua lại một cách hiệu quả. Những hệ thống này được cộng đồng phát triển, cung cấp miễn phí và hầu như mình phải tự tìm hiểu và tự xây dựng cũng như quản lý nó
Thông thường, mình thấy mọi người sẽ sử dụng Home Asistant, sau đó sử dụng thêm component của MQTT kết hợp, giúp cho việc điều khiển thiết bị thông qua sóng Zigbee ổn định, chi phí thấp. Nhưng sau khi cài đặt hệ thống, mình nhận thấy MQTT thông qua USB MQTT hoạt động cũng không thực sự ổn định, hệ thống quản lý khó khăn và rất khó kết nối các thiết bị.
Sau một thời gian tìm hiểu, mình xin chia sẻ một cách kết hợp khác, đó là sử dụng Home Assistant, kết hợp với USB Conbee do hãng deconz của Đức sản xuất. Đây thật sự là một công cụ tạo nên sự khác biệt từ một công ty của Đức, hoạt động mạnh mẽ, kết nối ổn định, thao tác kết nối thiết bị mới cực kỳ dễ dàng, các bạn có thể tham khảo thêm về Conbee trong bài viết này. Tuy nhiên, để sở hữu Conbee, các bạn sẽ phải chi khoảng 1t2 nhé, nhưng nó rất đáng để đầu tư, và có thể thay thế hoàn toàn Xiaomi Gateway nữa nhé
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn từng bước cài đặt Home Assistant lên máy tính, sau đó kết nối Conbee, tiếp theo là kết nối các thiết bị thông minh. Sau khi hoàn thành thì tạo ra một số ngữ cảnh cơ bản. Mình tin chắc sau khi sử dụng, các bạn sẽ thích Conbee ngay thôi 😉
Yêu cầu khi xây dựng hệ thống
- Cần biết cơ bản về Home Assistant
- Đã biết MQTT là gì và cách thức hoạt động của sóng Zigbee
Thiết bị cần thiết
- 1 máy tính để cài đặt Home Asistant
- 1 thiết bị Conbee
- Các thiết bị thông minh tuỳ theo nhu cầu
OK, tiến hành thực hiện nhé
Cài đặt Home Assistant (Hass) trên Ubuntu
Điều đầu tiên, các bạn phải có một cái máy tính đã cài đặt Ubuntu, mình đề nghị sử dụng Ubuntu phiên bản 16.04 trở lên nhé, còn cài đặt Ubuntu thế nào thì các bạn tìm hiểu trên Internet nha vì đã có rất nhiều hướng dẫn rồi, chỉ cần làm theo ABC là xong thôi
Bước 1: Sau khi đã cài đặt Ubuntu xong, các bạn truy cập SSH vào Ubuntu và cập nhật các ứng dụng lên phiên bản mới nhất bằng lệnh:
$ sudo apt-get update $ sudo apt-get upgrade
$ sudo apt-get install -y build-essential checkinstall
$ sudo apt-get install -y libreadline-gplv2-dev libncursesw5-dev libssl-dev libsqlite3-dev tk-dev libgdbm-dev libc6-dev libbz2-dev libssl-dev openssl
$ cd /usr/src/ $ sudo wget –no-check-certificate https://www.python.org/ftp/python/3.6.5/Python-3.6.5.tgz
$ sudo tar xzf Python-3.6.5.tgz $ cd Python-3.6.5/ $ sudo ./configure $ sudo make && sudo make install
$ sudo apt-get install python3-pip python3-venv $ python3 -m venv homeassistant $ cd homeassistant $ source bin/activate $ python3 -m pip install wheel
$ pip install --upgrade pip
$ sudo pip3 install homeassistant
$ hass --open-ui
Như vậy là các bạn đã hoàn tất cài đặt Home Asistant, tiếp theo ta sẽ tiến hành cài đặt Conbee, nhưng do bài viết này rất dài, nên mình sẽ chia làm khoảng 3 phần để các bạn xem và thực hiện dễ dàng, tránh tình trạng nản lòng giữ chừng, nên mình sẽ dừng phần 1 tại đây, các bạn nhớ đón xem tiếp phần 2 nhé. Mình xin tổng hợp nội dung trong seri này như bên dưới để dễ theo dõi
- Cài đặt USB Conbee vào Home Assistant
- Giao diện điều khiển của Conbee
- Kết nối thiết bị thông minh vào Conbee
- Tạo một ngữ cảnh bằng Bảng điều khiển của Conbee
- Tạo ngữ cảnh trong Home Assistant điều khiển bằng Conbee qua sóng Zigbee
- Lời kết